Sumo Nhật Bản – Những điều bạn chưa biết
Ở Nhật nói đến văn hóa truyền thống thì Sumo được xem là nghi lễ tôn giáo (đạo Shinto hay Thần Đạo). Ngoài ra, Sumo cũng là một môn võ nghệ và võ đạo. Tuy nhiên, thế giới của Sumo có một chút bí ẩn ngay cả đối với người Nhật Bản. Trên thực tế đây là một công việc hoàn toàn nghiêm túc, đề cao các quy tắc, tính kỷ luật nghề nghiệp. Dưới đây là một số điều bí mật mà có lẽ bạn chưa biết về môn võ Sumo?
Sumo có từ cách đây 2000 năm ở Nhật Bản. Ảnh: Edward Dalmudal.
1. Sumo bắt nguồn từ một nghi lễ tôn giáo
Sumo có nguồn gốc từ tôn giáo, là một nghi lễ đi kèm những điệu múa linh thiêng dâng lên các vị thần đạo Shinto để tiên đoán, cũng như cầu mong cho mùa màng bội thu. Thời Nara (710 – 794), Sumo được giới thiệu đến tầng lớp vua chúa ở Nhật và hàng năm có một giải đấu bắt đầu được tổ chức, từ đó các quy luật và kỹ thuật thi đấu cũng hình thành.
Mãi đến giai đoạn cuối của thời kỳ Minh Trị (1868 – 1912) thì Sumo mới lần đầu tiên được gọi là một môn thể thao dân tộc. Mặc dù còn rất nhiều nghi lễ mang đậm tính tôn giáo đi kèm nhưng môn võ này vẫn được gìn giữ cho đến ngày nay. Nhật Bản là đất nước duy nhất mà Sumo được tổ chức tập luyện, biểu diễn và thi đấu một cách chuyên nghiệp.
2. Các quy luật của một trận đấu
Trước mỗi trận đấu, các võ sĩ sẽ thực hiện nghi thức giậm chân và khởi động. Sau đó là lễ tẩy uế, họ tự bốc một nắm muối ném vào võ đài, rồi cúi xuống trừng trừng mắt nhìn nhau. Một trận đấu Sumo thường diễn ra rất nhanh, chỉ kéo dài từ vài giây đến một phút. Người chiến thắng là người đẩy được đối thủ của mình ra khỏi vòng tròn (Dohyo) hoặc vật ngã, làm cho bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể đối thủ (trừ lòng bàn chân) chạm đất.
3. Cuộc sống của các Sumo thực sự khắc nghiệt, gian khổ
Cuộc sống của các Sumo trong trung tâm huấn luyện có lẽ là những người vận động viên có chế độ sinh hoạt và luyện tập nghiêm ngặt, gian khổ nhất. Họ phải tuân theo những quy tắc do Hiệp hội Sumo quy định, trong đó chi phối mọi mặt đời sống hàng ngày như thực đơn ăn uống, việc ngủ nghỉ, trang phục, hành vi ứng xử…Một ngày của họ bắt đầu bằng việc luyện tập từ lúc 5 giờ sáng với cái dạ dày trống rỗng để tăng trọng lượng cơ thể. Đến khoảng 11 giờ trưa là bữa ăn đầu tiên trong ngày. Đối với những tân võ sĩ hay võ sĩ đẳng cấp thấp, họ còn phải thức dậy thật sớm để dọn dẹp, chuẩn bị bữa ăn cho các võ sĩ hạng cao hơn.
4. Trọng lượng của các võ sĩ Sumo
Giống như nhiều môn thể thao khác, để trở thành vận động viên chuyên nghiệp, các Sumo phải cố gắng tăng cường sức khỏe, cân nặng của mình nhằm có được hình thể mập mạp, khỏe khoắn hơn. Do không có quy định cụ thể về hạng cân trong môn Sumo chuyên nghiệp nên trọng lượng của các võ sĩ hàng đầu khác nhau rất nhiều. Một võ sĩ có khi đối đầu với đối thủ nặng gấp đôi trọng lượng của mình.Bạn từng thắc mắc làm thế nào mà các Sumo có thân hình “khổng lồ” đến như vậy? Để đạt được điều đó, các vận động viên phải áp dụng chế độ ăn uống theo tiêu chuẩn đặc biệt, ăn nhiều món có hàm lượng dinh dưỡng cao. Một ngày các võ sĩ ăn rất nhiều thức ăn nhưng món ăn chính không thể thiếu trong thực đơn của họ là Chankonabe. Đây là loại lẩu thập cẩm rất ngon chứa nhiều thịt, rau, cá, đậu hũ, mì ăn liền kèm nước luộc gà. Thật không may là việc cố gắng tăng trọng lượng cơ thể kết hợp với sử dụng nhiều rượu, dẫn đến tuổi thọ của các Sumo thường ngắn hơn khoảng mười năm so với tuổi trung bình của đàn ông Nhật Bản.
5. Các võ sĩ không được phép lái xe ô tô
Nghe qua có vẻ vô lý nhưng điều này là sự thật. Hiệp hội Sumo cấm tất cả các võ sĩ không được phép tự lái xe ô tô.
6. Bí mật của trọng tài Sumo
Trọng tài môn võ Sumo còn gọi là Gyoji, cũng có nhiều bí mật như các võ sĩ. Họ bước vào thế giới của Sumo ở độ tuổi còn rất trẻ (khoảng mười sáu tuổi) và cứ duy trì sự nghiệp như vậy cho đến khi nghỉ hưu. Điều bí mật nhất là khi lên võ đài các trọng tài sẽ mang theo mình một thanh đoản kiếm (Tantō) và việc đó như sự cam kết nếu họ đưa ra quyết định sai lầm trong trận đấu, họ sẽ mổ bụng (Seppuku) tự sát bằng chính thành đoản kiếm ấy. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có trường hợp nào sai sót đến mức phải dùng hình thức trên. Đa số khi đưa ra quyết định sai lầm, các Gyoji tự nguyện nộp đơn từ chức và xem đó như một hành động xin lỗi cho việc làm của mình.
7. Các võ sĩ phải mặc trang phục truyền thống
Do cuộc sống bị chi phối bởi các quy tắc nghiêm ngặt, các Sumo thậm chí không được phép lựa chọn quần áo theo ý muốn của mình, mái tóc của họ được nuôi dài, búi lên giống như kiểu tóc của các Samurai thời Edo. Vào mọi lúc mọi nơi, các võ sĩ sẽ luôn để kiểu tóc búi này và mặc trang phục truyền thống. Vì vậy bạn có thể dễ dàng nhận ra nếu họ có mặt tại các địa điểm công cộng. Môn võ Sumo có 6 đẳng cấp khác nhau: Makuuchi, Juryo, Makushita, Sandanme, Jonidan và Jonokuchi. Theo quy định của Hiệp hội Sumo, mỗi võ sĩ sẽ mặc trang phục truyền thống và có kiểu búi tóc tùy theo đẳng cấp của mình. Từ đẳng cấp Jonidan trở xuống, các Sumo mặc trang phục Yukata, đi dép Geta. Với đẳng cấp cao hơn (Makushita và Sandanme) họ có thể mặc thêm chiếc áo khoác ngắn bên ngoài áo Yukata, mang dép Zori. Những võ sĩ đạt đẳng cấp từ Juryo trở lên thì mặc áo choàng bằng lụa và búi tóc theo kiểu trau chuốt hơn, có tên là Oicho.
8. Các Sumo không được phép cư xử theo cách họ muốn
Ngoài các quy định nghiệm ngặt về chế độ luyện tập, các võ sĩ còn phải tự kiểm soát thái độ và hành vi của mình. Trong lúc họ luyện tập, bạn cũng không nghe thấy tiếng trách mắng khi một ai đó luyện tập sai cách bởi tất cả đều diễn ra rất nhẹ nhàng hoặc họ chỉ dùng động tác ra hiệu. Trong các trận đấu, họ phải biết kiềm chế cảm xúc bản thân, không tỏ ra vui vẻ khi chiến thắng và ngược lại buồn bã, thất vọng khi thua cuộc.
9. Sumo – môn thể thao phụ nữ không được phép tham gia
Một điều đặc biệt là môn thể thao sumo chỉ dành riêng cho nam giới, nữ giới không được phép tham gia môn này. Thậm chí Hiệp hội Sumo không cho phép phụ nữ bước lên sàn đấu. Vì điều đó được coi như là xúc phạm đến sự linh thiêng của võ đài. Điều này từng gây chút vấn đề khi theo truyền thống người trao giải thưởng cho nhà vô địch của giải đấu là Thống đốc. Năm đó, bà Fusae Ohta, nữ Thống đốc của thành phố Osaka giai đoạn từ năm 2000 đến năm 2008, từng yêu cầu được bước lên sàn đấu để trao giải thưởng cho người chiến thắng của một giải đấu. Tuy nhiên, đề nghị này của bà đã bị từ chối. Đến nay, môn thể thao này đối với nữ giới vẫn chưa được chính thức công nhận ở Nhật Bản và các giải đấu dành cho nữ chỉ là giải nghiệp dư.
Nguồn: Sưu tầm